Ngày 2/7, Guardian đưa tin, giới chức Israel nói rằng các vấn đề về kỹ thuật đã ảnh hưởng đến thỏa thuận chuyển giao vaccine giữa Anh và Israel.
“Israel và Anh đã thảo luận về khả năng chuyển giao vaccine. Nhưng tiếc là vì lỗi kỹ thuật, nỗ lực này đã không thành công bất chấp mong muốn của hai bên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel cho biết.
Trước đó, Israel đã đề nghị đưa hơn một triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech sẽ hết hạn vào ngày 30/7 sang Anh và nhận được số vaccine của Anh khi Pfizer/BioNTech chuyển giao vào tháng 9.
Ngày 30/6, Channel 12 cho biết các cuộc đàm phán về trao đổi vaccine giữa Anh và Israel đã ở giai đoạn cuối. Pfizer/BioNTech đã từ chối yêu cầu từ Israel về việc gia hạn thời hạn sử dụng vaccine và cho bết không thể đảm bảo số vaccine sẽ an toàn sau ngày 30/7.
Vào tháng 6, Israel cũng không thể chuyển lô vacine khoảng một triệu liều trong tình trạng tương tự đến khu Bờ Tây.
Người phát ngôn của Palestine Ibrahim Melhem nói rằng Palestine sẽ đợi lô vaccine đặt trực tiếp từ Pfizer/BioNTech. Khoảng 30% người Palestine thuộc diện tiêm chủng ở Bờ Tây và Dải Gaza đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tình hình tiêm chủng đối với nhóm thanh thiếu niên kém thành công hơn so với tỷ lệ tiêm chủng của người trưởng thành.
Trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu về khả năng sử dụng vaccine lâu hơn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước không nên vứt bỏ các liều vaccine Covid-19 đã hết hạn.
Ông Adam Finn, chuyên gia tại Đại học Bristoll, cho biết: “Chúng ta không thể vứt bỏ vaccine khi mọi người đang rất cần được tiêm chủng".