Trong khi Hàn Quốc ghi nhận ca bệnh đầu tiên được chữa khỏi COVID-19 bằng huyết tương thì tại Mỹ, các nhà khoa học đang thử nghiệm loại thuốc viên giúp triệt tiêu khả năng lây truyền của virus Corona và cho các kết quả tích cực.
Mới đây, hãng dược Green Cross Pharma của Hàn Quốc cho biết một bệnh nhân nam ngoài 70 tuổi mắc COVID-19 đã hồi phục sau khi dùng thuốc điều trị bằng huyết tương của hãng này tại Bệnh viện Đại học Kyungpook.
Ảnh minh họa |
Hãng đã phát triển thuốc điều trị bằng huyết tương GC5131A, tách kháng thể có chứa tính sinh miễn dịch từ huyết tương của người đã khỏi COVID-19. Huyết tương này cũng đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên đối tượng là bệnh nhân có rủi ro cao.
Bệnh nhân nói trên không phải là người tham gia thử nghiệm lâm sàng mà là trường hợp được đội ngũ y tế đệ trình Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) cấp phép sử dụng thuốc với mục đích điều trị. Hiện tại, MFDS đang áp dụng chế độ cho phép sử dụng thuốc vào mục đích điều trị, dù là thuốc đang thử nghiệm lâm sàng, để điều trị cho những bệnh nhân nặng bị đe dọa tính mạng hoặc khi chưa có cách điều trị khác.
Bệnh nhân này sau khi được kết luận dương tính với SARS-CoV-2 đã được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau, như thuốc kháng virus Remdesivir, Dexamethasone nhưng không có tiến triển, nên đội ngũ bác sĩ đã thử sử dụng thuốc điều trị của hãng Green Cross Pharma.
Sau khi được điều trị trong vòng hơn 20 ngày, tới ngày 18/11 vừa qua, bệnh nhân đã nhận kết quả âm tính. Thuốc điều trị của hãng đã được phê chuẩn sử dụng để điều trị cho 13 trường hợp, trong đó bệnh nhân nói trên là trường hợp chữa khỏi đầu tiên.
Thuốc ngăn virus tự nhân lên
Theo tờ Ouest-France, kết quả nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Microbiology cho thấy loại thuốc viên trị cúm Molnupiravir có thể ngăn chặn sự lây truyền virus Corona ở chồn sương trong vòng 24 giờ. Thuốc ngăn virus tự nhân lên, tức là ngăn virus lây lan khắp cơ thể.
Thuốc Molnupiravir, còn có tên gọi là MK-4482/EIDD-2801, đã chứng minh được hiệu quả kháng virus trên nhiều loài vật. Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Georgia (Mỹ) phát hiện loại thuốc này đã ngăn chặn những con chồn bị nhiễm COVID-19 lây bệnh cho nhau, trong khi những con không được dùng thuốc đã lây bệnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết nếu dữ liệu có thể được "phiên ngang" sang người, điều đó có nghĩa là bệnh nhân COVID-19 được điều trị có thể đạt khả năng không lây nhiễm trong vòng một ngày.
Tiến sĩ Robert Cox, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi tin rằng chồn hương là một mô hình lây truyền có liên quan vì chúng dễ dàng lây lan virus Corona nhưng hầu như không phát triển thành bệnh nặng, giống như virus Corona đang lây lan ở người trẻ tuổi".
Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus được Công ty Drug Innovation Ventures at Emory (DRIVE) phát triển. Ban đầu, nó được dùng để điều trị bệnh cúm và ngăn không cho virus tạo ra các bản sao của chính nó bằng cách tạo ra các lỗi trong quá trình sao chép RNA của virus. Đến tháng 4/2020, các nghiên cứu phát hiện Molnupiravir có thể ngăn ngừa và giảm tổn thương phổi nghiêm trọng ở chuột bị nhiễm virus Corona.
Thuốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng lần thứ 2, trong đó đang được thử nghiệm ở 3 liều lượng khác nhau cứ 12 giờ một lần trong 5 ngày trên bệnh nhân COVID-19, nhưng dữ liệu dự kiến không được công khai đến ít nhất là tháng 5/2021.
Theo báo The Indian Express, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) của Ấn Độ vừa quyết định cho thử nghiệm thuốc Molnupiravir trên người vì ấn tượng trước khả năng của thuốc ở chồn.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 8/12, nước Anh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn quốc, sử dụng loại vaccine do tập đoàn Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp nghiên cứu và bào chế.
Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 của Anh nói riêng và toàn cầu nói chung. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gọi ngày này là "V-Day" (dựa theo tên gọi Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II).
Những lô vaccine đầu tiên đã rời nhà máy của Pfizer tại Bỉ từ hôm 6/12 và được vận chuyển bằng container đông lạnh đến Anh. Một số tờ báo cho biết, giới chức Anh đã chuẩn bị sẵn các máy bay quân sự để làm phương án dự phòng vận chuyển vaccine, trong trường hợp tiến trình chuyển giao Brexit kết thúc vào ngày 31/12 gây ách tắc tại các cảng biển.
Trước đó, giới chức Anh thông báo chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ ưu tiên những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch, những người sống và làm việc tại các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các bệnh nhân trên 80 tuổi điều trị ngoại trú và những người đã được điều trị và xuất viện sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên. Một số bệnh viên cũng sẽ mời những người trên 80 tuổi đến tiêm vaccine, đồng thời phối hợp với các nhà dưỡng lão để bố trí nhân viên phục vụ việc tiêm chủng.
Trong trường hợp người đã có hẹn nhưng không đến tiêm, vaccine sẽ được chuyển sang dành cho các nhân viên y tế thuộc nhóm dễ lây nhiễm COVID-19, sau đó là những người từ 75 tuổi trở lên. Mỗi người sẽ được tiêm 2 liều theo tiêu chuẩn, cách nhau 14 ngày.
Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Một số tờ báo Anh đưa tin, Nữ hoàng Anh Elizabeth II (94 tuổi) và Hoàng thân Philip (99 tuổi) sẽ được tiêm vaccine trong vài tuần tới. Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip được tiêm chủng sớm do thuộc nhóm ưu tiên vì cao tuổi. Hiện Điện Buckingham chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.