Sông Hồng đổ vào Việt Nam ở địa phận xã Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai), và đổ ra biển Đông tại cửa Ba Lạt (Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình). “Mùa này nước cạn, sông Hồng hiền lắm”, một người lính biên phòng trạm Lũng Pô đã nói với chúng tôi như vậy. Nhưng tháng hai, những con nước xiết vẫn chảy ngầm từ trong lòng sông rộng, mang theo không ít nỗi niềm.
“Tháng Hai, mùa này con nước”
Cột mốc 92 tại Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt |
Bà Phàn Thị Phối (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã gần 60. Gần cả cuộc đời gắn bó với con đường đi dọc từ thượng nguồn sông Hồng, nơi dòng sông bắt đầu phân giới, về đến thành phố Lào Cai nhập hẳn mình vào đất Việt, bà Phối đã quá quen với những đoạn luồn rừng, những đêm công tác vừa đi vừa sợ hãi. Bà đi làm công tác phụ nữ, tuyên truyền cho chị em phụ nữ sản xuất, vận động những thế hệ thanh niên tiếp tục lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Đường lên Y Tý bây giờ đã dễ đi lắm, ô tô cứ đi thẳng bảy chục cây số, chứ thời ấy, toàn đường mòn, bước đi là phấp phỏm lo âu với bao hiểm nguy thường trực.
Bia liệt sĩ ở đồn biên phòng A Mú Sung có ghi tên trung úy Lý A Tờ |
Hơn 40 năm trước, ngày 17-2-1979, bà nhận tin chồng bà, trung úy Lý A Tờ, đã hy sinh tại đồn biên phòng A Mú Sung trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979. Cho đến bây giờ, cả gia đình cũng không rõ ông ra đi chính xác ngày nào. Chỉ biết vào cái ngày cuộc chiến nổ ra, ông – khi đó là đồn phó đồn biên phòng Nậm Mít (đồn A Mú Sung bây giờ) - là người cuối cùng trụ lại. Cả mấy ngày sau người ta mới tìm thấy ông trong lô cốt. Thượng nguồn sông Hồng ngày đó là những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ chủ quyền. Hết chiến tranh, bà trở lại Bát Xát, lại làm công tác phụ nữ. “Tôi dọc sông Hồng không biết bao nhiêu bận. Những năm 80 làm gì có đường như bây giờ, cứ luồn rừng mà đi. “Có bận đến đồn biên phòng chỗ ông Tờ nằm xuống, chỉ cách vài trăm mét mà các anh đi cùng nói không an toàn, chỉ khóc mà không thăm ông ấy được”. – ngồi trước chúng tôi, bà Phàn Thị Phối trầm ngâm. Rất lâu sau, bà mới đưa được ông về nghĩa trang huyện.
Ngã ba Lũng Pô |
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Vân Chi cũng đã từng có một ngôi nhà ngay ngã ba sông Hồng chảy vào đất Việt. Năm 2007, cưới nhau xong, chính tay chồng cô – anh trung úy biên phòng trạm biên phòng Lũng Pô – tự tay dựng một căn nhà gỗ trên mảnh đất trống gần cột mốc 92. Vợ là giáo viên mầm non bản, chồng là lính biên phòng, lúc ấy cô là người hạnh phúc nhất: “Con ốm chưa bao giờ em phải thức một mình, chồng em không lãng mạn nhưng tốt bụng, chăm chỉ, nhiệt tình với mọi người”. Cuộc đời người phụ nữ cứ tưởng thế là viên mãn. Rồi ngày 17-2-2010, chồng cô – trung úy Trần Văn Duẩn hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, ngã xuống ngay ngã ba sông mẹ. “22 tuổi em yêu, 24 tuổi em lấy chồng, 26 tuổi em mất chồng”, cô gái tổng kết chua chát.
“Biết là em nghĩ về anh đó”
Bà Phối nói bà không hiểu sao bà vẫn một nách ba con, nuôi các con trưởng thành. Năm 1979 cả gia đình bà ở bản Vược. Chiến sự nổ ra, bà ôm con chạy dần ra Mường Vi, Bản Xèo, rồi sang Nậm Pung, rồi sang Sa Pa, sang Yên Bái. Rất nhiều năm sau, bà Phối vẫn không thể quên cảm giác kinh hoàng lúc lưng địu một đứa con 4 tháng, tay dắt hai đứa 3 tuổi, 6 tuổi băng qua những cánh rừng thảo quả, miết mải tránh đạn pháo đang nhằm nhà mình rót xuống. “Có lúc 28 ngày chỉ ăn sắn, chân con trai phồng rộp lên, cháy máu”, bà kể. Cậu con út được bà địu trên ngực, luồn rừng cả mấy ngày, bị vắt xanh cắn máu chảy ướt hết áo mà không ai hay.
Nhưng bà nuôi các con qua suốt năm tháng chông gai, hướng những đứa con gương mặt giống hệt bố ngày nào tiếp tục bám vùng biên giới.
Con trai bà Phối, anh Lý Tiến Nam cũng theo đường binh nghiệp như cha, miết mải với những chuyến công tác dọc sông Hồng. “10 tuổi tôi đi Thiếu sinh quân, chỉ ý thức được bố mình đã theo bộ đội mình phải nối nghiệp, sẽ theo những gì bố làm”, anh Nam kể. Cuộc sống của anh cũng bắt đầu gắn với dòng sông Hồng từ những ngày vào lính.
Anh Lý Nam Kỳ, Bí thư xã Nậm Chạc, con trai út của ông Lý A Tờ |
Con trai út, Lý Nam Kỳ, ra đời đúng những năm biên giới ác liệt, giờ đang là Bí thư xã Nậm Chạc, đắm đuối với cây trồng để đồng bào thoát nghèo vùng biên giới. “Bà con ở đây nông sản bị ép giá ghê lắm, để làm giàu còn phải dài hơi”, anh Kỳ bảo. Hai anh em đi cơ sở lên A Mú Sung, Y Tý, chỉ cần nói con bố Tờ thì những người sống lâu năm ở đó đều biết cả.
Trạm biên phòng Lũng Pô |
Cô giáo Chi kể từ dạo chuyển về huyện Bát Xát, người dân Lũng Pô vẫn nhớ cô lắm. Cô vẫn đưa con trai lên thăm cột mốc 92. Mỗi bận bản có lễ tết, mổ lợn mổ trâu đều mang phần xuống cho cô. “Anh Duẩn nhiệt tình, tốt bụng, không tơ hào của ai cái gì, hồi còn sống dân bản đều quý. Về huyện chỉ tiếc căn nhà gỗ ngày xưa, lâu không ở, đã mối mọt cả”. “Nỗi đau không cần thể hiện ra nhiều, vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục như thế. Anh Duẩn như thế, em chưa bao giờ hối hận cả”, Chi kể. 9 năm, Chi nói có lúc vẫn không tin nỗi đau là thật. Trong căn nhà nhỏ, ở góc cầu thang, Chi treo rất nhiều ảnh của con trai, có cả ảnh cậu bé đứng ở cột mốc 92, ảnh cậu bé đội chiếc mũ kêpi của bố.
Sông Hồng là con sông chủ quyền, lính biên phòng Lào Cai đều nói vậy. Có biết bao thế hệ, đã đi và sống dọc con sông Hồng, làm nên những dòng “ngầu sắc đỏ” của ngày hôm nay, trong ấy chất chứa những nỗi đau vĩnh viễn không thể lành của nhiều người vợ, người mẹ. Cái cách mà họ vượt qua những nỗi đau, đón nhận và bình thản trước mất mát khiến người ta ngưỡng mộ. Giống như cho dù phía thượng nguồn có ngầu sóng đến đâu, đến lúc trôi ra biển Đông, vẫn là một ngã ba bình yên cho những bến chài.
Có những ngày rét căm nước cạn như thế này, vẫn nhói lòng khi hướng về nơi sông Hồng chảy vào đất Việt. Hướng về thượng nguồn, không phải để nuôi những hận thù, hẳn thế, chỉ là để hiểu thêm về những mất mát.