Năm 1972, trước những cuộc tấn công hết sức mãnh liệt, bất ngờ của quân và dân ta ở miền Nam, để cứu vãn nguy cơ đổ vỡ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tổng thống Mỹ Ních Xơn quyết định huy động lực lượng lớn không quân và Hải quân Mỹ chi viện trực tiếp chính quyền miền Nam và đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam. Nghệ An, nhất là Vinh - Bến Thủy trở thành một trong những trọng điểm ném bom hủy diệt.
“Liệt sĩ sống”
Những ngày ấy, khí thế cách mạng của nhân dân, đặc biệt trên mặt trận giao thông vận tải, phòng, tránh chiến đấu được phát huy cao độ. Mỹ điên cuồng ném bom hủy diệt, thành phố chỉ còn là những đống gạch vụn, dân được lệnh sơ tán triệt để, chỉ công an, bộ đội, dân quân tự vệ bám trụ. Giữa thời điểm ấy, yêu cầu chi viện cho miền Nam ngày càng lớn, mỗi ngày có hơn 500 lượt xe chở hàng hóa và quân đi qua thành phố. Những năm này thành phố Vinh đã có cửa hàng ăn uống Bến Thủy. Nhưng với lượng khách hàng đông như vậy anh chị em ở đó đã phục vụ suốt cả ngày đêm không nghỉ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Để chăm lo sức khỏe cho chiến sỹ và lái xe hành quân qua đây, Thành ủy đã ra quyết định thành lập thêm một cửa hàng ăn uống và chỉ đạo các tổ trực chiến khu vực ngã sáu xây dựng một căn hầm rộng khoảng 60 m2, sâu 1,5 m, đắp lên 1,5m thành chiều cao 3m, trong hầm được bố trí 12 bộ bàn ghế để phục vụ khoảng 60 người khách ăn cùng một lúc. Anh em còn đào hai dãy hầm chữ A hai bên nhà hầm để làm nơi nấu nướng, chế biến thức ăn và trú ẩn khi máy bay Mỹ oanh tạc. Với khí thê lao động khẩn trương, nhiệt tình, ba tổ trực chiến đã hoàn thành công việc xây hầm chỉ trong 16 ngày đêm. Hầm xây xong, lãnh đạo thành phố đã kịp thời họp bàn cử người phục vụ cửa hàng trong hoàn cảnh mưa bom, bão đạn. Nhiều người đã tự nguyện xung phong đảm nhận công việc đặc biệt này, nhưng thành ủy đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định chọn 6 chị em.
Chị NguyễnThị Đại lúc đó 35 tuổi (người cao tuổi nhất trong số đó), một đảng viên gương mẫu đang công tác trong ngành, đã có 4 con, bé nhất mới 8 tháng tuổi, được chỉ định làm tổ trưởng. Tổ viên là các chị Trần Thị Hiền, Nguyễn Thị Phòng, Đinh Thị Hường, Lê Thị Xang, Đinh Thị Phúc làm kỷ thuật viên. Các cô gái đều đang độ tuổi 18, đôi mươi hết sức hồn nhiên, yêu đời. cửa hàng ăn uống được đặt tên Trà Bồng (một huyện của tỉnh Quảng Ngãi kết nghĩa với tỉnh Nghệ An, có nhiều thành tích xuất sắc trong đánh Mỹ). Ngày cửa hàng khai trương là dấu ấn ghi đậm trong cuộc đời chị em. Hôm ấy đồng chí Hồ Sỹ Phong, bí thư và đồng chí Hà Văn Tải, phó bí thư thường trực thành ủy đã tới dự. Tại đây, đồng chí bí thư thành ủy đã trân trọng trao tặng cho 6 cô gái một bó hoa tươi thắm và phong “liệt sỹ sống” cho họ trong bầu không khí trang nghiêm và xúc động.
Ngay sau đó, chị Nguyễn Thị Đại phải cai sữa sớm và gửi cháu Hải, đứa con út 8 tháng tuổi cùng các con về quê ngoại ở Hưng Nguyên để đảm nhận trọng trách được giao. Kể sao xiết những khó khăn chị em phải cố sức vượt qua. Từ đây, hằng ngày chị Đại phải cùng chị em đạp xe ra ngoại thành xa hàng chục cây số để mua thực phẩm trong tầm oanh tạc của máy bay giặc Mỹ. Từ 5 giờ chiều trở đi chị em khẩn trương chế biến, đun nấu để phục vụ cho trên 500 suất ăn. Trên cương vị là người đứng đầu cửa hàng, để hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh này, chị Đại đã phải nén nỗi thương chồng, nhớ con, lấy công việc làm niềm vui. Chồng chị là anh Trần Văn Liễn cũng đang ngày đêm bám trụ ở nhà máy điện Vinh. Trong trận đánh đầu của Mỹ vào thành phố anh đã bị thương, dù đã hồi phục nhưng khi trở trời vẫn còn đau nhức. Trong lúc con ở xa đang khát sữa mà mỗi buổi trưa chị vẫn phải rứt ruột vắt sữa đổ lên nắp hầm, vì theo lời các cụ làm như thế con sẽ an toàn, mạnh khỏe.
Tiếng hát giữa đạn bom
Khó khăn là vậy, nhưng chị đã lãnh đạo chị em luôn đoàn kết, đùm bọc, hỗ trợ, nhắc nhở nhau dũng cảm vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ thành ủy đã tin cậy giao phó. Có những lúc mưa to kéo dài, cả tổ vừa phải kê bếp lên cao vừa phải tát nước cho hầm khô ráo để phục vụ. Nhiều đêm phải thức trắng vì tăng khách hàng đột xuất, có thời điểm lên tới 600 người ăn. Giữa một trận đánh ác liệt của quân và dân thành phố với máy bay Mỹ, chị Hiền không may bị thương phải đi bệnh viện, năm chị em ở nhà đã tự nguyện gánh vác công việc thay chị.
Thật may mắn chị đã hồi phục trở về cửa hàng trong tình thương yêu, mong đợi của đồng đội. Nhiều lần hầm bị sạt lở, tốc mái nhưng cả tổ đã cùng với anh em dân quân, tự vệ, công an khu phố sữa chữa kịp thời không để gián đoạn thời gian phục vụ.
Có những hôm lái xe và các chiến sỹ đi qua hết tiền ăn nhưng các chị vẫn sẵn sàng lo toan chu đáo. Còn ở độ tuổi thanh xuân nên dù sống dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, các cô gái của cửa hàng vẫn hết sức yêu đời, thỉnh thoảng lại vượt rào sang nhà khách giao tế “trộm” hoa để đón tiếp các đoàn bộ đội. Điều đáng nhớ là cửa hàng lúc nào cũng tràn ngập tiếng hát tiếng cười và có đầy đủ cơm, cháo, phở, bánh bao, bánh chưng, cà phê, thuốc lá cho các chiến sỹ. Ai đã một lần qua đây đều không khỏi cảm động và lưu luyến lúc chia tay
Chiến công của các cô gái vang xa, nhiều phóng viên báo chí địa phương, trung ương đã tìm đến cửa hàng viết tin bài về chị Đại và tổ phục vụ ăn uống Trà Bồng. Cuối năm 1972 tổ phục vụ ăn uống Trà Bồng đã vinh dự được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng hai và được bộ Giao thông vận tải, bộ Thương mại tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Sống có ích suốt đời
Chiến tranh kết thúc, cửa hàng Trà Bồng được nâng cấp và phục vụ trong điều kiện mới. Chị Đại được cử làm cửa hàng trưởng và sau đó được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty ăn uống thành phố Vinh, rồi phó giám đốc công ty ăn uống Nghệ Tĩnh. Thời gian này, chị lại cùng với ban giám đốc lặn lội khắp nơi trong, ngoài tỉnh và tỉnh ULIANOP (của Liên Xô cũ) để khai thác nguồn hàng đảm bảo nhu cầu cho nhân dân trong thời bình. Năm 1992 chị mới được nghỉ hưu khi đã tròn 56 tuổi.
Về với khối phố và cuộc sống đời thường, người phụ nữ kiên cường ấy vẫn tiếp tục nhiệt tình tham gia công tác lãnh đạo và làm nòng cốt trong các hoạt động xã hội ở khối phố. Năm nay, chị Đại ngày xưa đã là Cụ bà tuổi 84, tuy ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn khỏe mạnh, rắn rỏi, khuôn mặt còn đọng nét xuân sắc. Vừa rồi, không may bà bị ngã phải nằm tại chỗ gần một tháng
Nhưng, khi ngồi ôn lại chặng đường đã qua ông bà bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời chiến tranh trong niềm xúc động, tự hào. Cùng nhau say sưa kể lại những hoạt động hai người đã tham gia ngày hòa bình lập lại. Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng bị chen ngang do một vài người hàng xóm sang chơi đã phụ họa thêm những đóng góp của gia đình với sự khâm phục. Căn nhà số 134, đường Ngư Hải, phường Lê Mao thành phố Vinh của ông bà là nơi hội tụ của bà con khối phố và con cháu. Có những thời điểm 6 năm khối chưa có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt khối phố từ hội họp đến tập văn nghệ đều được tổ chức tại nhà ông bà
Từ khi về hưu đến nay bà Đại đã làm chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ 23 năm, chi hội trưởng phụ nữ 15 năm; 6 năm tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ người cao tuổi của phường Lê Mao và của thành phố Vinh. Đã từng tham gia đội múa của người cao tuổi đi biểu diễn ở nhiều nơi. Bà đã có mặt ở các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi của 23 khối phố của phường Lê Mao và các phường xã của thành phố Vinh. Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, Bà đã đưa 32 cụ đi biểu diễn tại Hà Nội, năm 2013 đưa đoàn đại biểu người cao tuổi Nghệ An thi thái cực quyền của Bác Hồ tại Vũng Tàu đã đạt giải. Với những cống hiến trong suốt cuộc đời, Bà đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì; huy hiệu Bác Hồ; huy hiệu 55 năm tuổi Đảng; và nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, địa phương
Cụ ông, hơn sáu mươi năm qua luôn là chỗ dựa vững chắc cho bà. Năm nay ông đã 88 tuổi, vừa vinh dự được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, ông bà sống đấm ấm, hạnh phúc, các con trai gái, dâu rể, cháu chắt đều phát huy được truyền thống gia đình học hành, công tác tốt.
Về các cô gái năm xưa, theo lời bà kể chỉ có một người đã mất, một người ở xa, còn lại mấy chị em thỉnh thoảng vẫn quây quần ôn lại thời gian khổ và oanh liệt. Bà Đại, sau mấy chục năm làm cán bộ công chức nhà nước và hơn 25 năm “vác tù và hàng tổng” đã như cánh chim không mỏi, bay vượt từ thời bom đạn đến thời Hòa bình, nay vẫn tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Những người đã sống qua cuộc chiến khốc liệt ngày một thưa vắng. Ngày 30.9.2021, cánh chim không mỏi ấy đã ngừng bay ở tuổi 84. Cụ Nguyễn Thị Đại đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đẹp đẽ, cống hiến hết mình dù chỉ ở một góc nhỏ bé của đất nước. Những người còn sống sẽ luôn nhớ đến cụ với lòng yêu mến và khâm phục.