• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ sơ hàng Fake

Đa số các sản phẩm này đều có giá thành bằng một phần tư, phần năm và đôi khi là một...

Tất nhiên, đấy là hàng fake!

Hàng fake là gì?

“Fake” là một từ tiếng Anh có nghĩa là làm giả, làm nhái, làm giống như thật. Hiện nay, trên cộng đồng mạng, thường xuất hiện những từ khoá quen thuộc như fake 2, fake 1, và super fake… Những mặt hàng này được làm giống với các hàng chính hãng từ 80-90% và tất nhiên chất lượng thì không thể bằng.

Khách hàng tầm tầm đều chuộng hàng fake hơn các sản phẩm chính hãng. Là bởi, giá nó rẻ, chỉ với một số tiền khá “hợp lý”, nhìn qua ai biết mình dùng đồ xịn hay nhái. Tâm lý thích đồ nhái này khiến chuyện buôn hàng fake nở rộ trên mạng xã hội. Có điều, thích hàng hiệu không phải là sành điệu, nếu ham rẻ và ham sự lập lờ nhãn mác, có ngày rước họa vào thân.

Hình ảnh một cơ sở làm hàng giả
Hình ảnh một cơ sở làm hàng giả

Tôi đã thử khảo sát việc bán một loại son môi, được ưa chuộng chứ không phải hàng hiệu nổi tiếng.

Cách đây khoảng hai năm, một facebooker có đăng thanh lý 1.000 set son 3CE mini (5 cây) với mức giá 300k/set với lý do khách sỉ đặt mua nhưng bị bom hàng và đang thiếu tiền để hoàn lại vốn, cho khách check code thoải mái, không đúng sẽ hoàn tiền. Đây là một mức giá quá rẻ!

Bởi lẽ, vào thời điểm đó, son 3CE đang là một sản phẩm rất hot trên thị trường Việt, giá chính hãng dao động từ 800k-1 triệu/set (5 thỏi). Khi tham khảo ý kiến một người bạn chuyên buôn quần áo và mỹ phẩm, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Fake đấy anh ơi! Em còn đang bán có 120k/set thôi! Anh check code thoải mái”. Và đúng vậy, sau khi mua thử một set, tôi check code trên web thì hiện lên ngay.

Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng, mức phạt tiền cao nhất 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm ngoái, một facebooker xả kho 100 set son 3CE với lý do tương tự “bị bùng hàng”, giờ bán lỗ vốn, chỉ 109k/set (gồm 10 thỏi, 5 thỏi son và 5 thỏi son kem) và mong muốn mọi người “ủng hộ” để bán nhanh hết.

Mấy tháng sau, một shop online có tên facebook là X. Shop cũng thanh lý 1.000 set son 3CE, mỗi set gồm 5 thỏi + 5 son kem với lý do quen thuộc “bị bom hàng” đành thanh lý thu hồi vốn chỉ 175k/10 cây, tính ra chưa đầy 20k/cây.

Tháng trước, một facebooker khác mang tên L.N cũng với lý do bị khách “bùng hàng” xả kho set son 3CE mini tông đỏ với giá 70k/set (5 cây)!?

Với cái giá ấy, tất nhiên đừng nói đến son chính hãng, son dùng được. Còn sử dụng loại hàng chất lượng thấp thì chính người sử dụng rước họa, vậy thôi…

Về “hàng fake”, loại tiêu biểu được làm giả dựa theo các thương hiệu nổi tiếng thì phải kể đến túi xách. Nghe nói cơ sở chuyên kinh doanh túi fake được cho là tổng kho túi buôn sỉ, lẻ có địa chỉ tại Nguyên Tạo, phường Trường Thi, TP. Thanh Hoá.

Theo chủ cơ sở quảng cáo thì các túi xách ở đây chủ yếu là hàng Quảng Châu, Trung Quốc đều có gắn mác đầy đủ như LV, Gucci, DC, Chanel… Giá dao động từ 99k đến 200k, 300k. “Nhà chẳng có gì ngoài túi. Cứ hết em lại bơm đầy. Khách đặt 1.000-2.000 cái hôm trước, hôm sau có luôn. Hàng xưởng ra đảm bảo bao giá toàn thị trường”, chủ nhà nói vậy.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Thật ra, chẳng cần lấy hàng tại Quảng Châu, cứ quanh quanh Thủ đô cũng đầy cơ sở làm hàng giả. Câu chuyện này xin nói đến vào một dịp khác. Tóm lại, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là đã có thể sở hữu những chiếc túi xách hàng hiệu với mức giá hàng chục triệu đồng. Đây là lý do vì sao thị trường hàng giả luôn hấp dẫn với người tiêu dùng.

Theo wikipedia, sự phát triển của ngành làm hàng giả đã trở thành vấn đề toàn cầu trong những năm gần đầy. Theo Cục Trí Tuệ Hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) thì số lượng hàng giả chiếm từ 5% đến 7% thương mại toàn cầu. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết hơn 200 tỉ USD thương mại quốc tế có thể đến từ các sản phẩm làm giả hoặc hàng lậu năm 2005, và khoảng $250 tỉ USD năm 2007. Một nghiên cứu khác kết luận một con số thất thoát nhiều hơn là 600 tỉ USD, từ khi OECD khảo sát không bao gồm khu vực mua bán trực tuyến hay hàng được làm giả và bán ở thị trường nội địa.

Ở Hoa Kỳ, tính riêng trong năm 2013 thì 68% hàng giả bắt được ở biên giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng hóa giả tại Trung Quốc rất đa dạng, từ thịt thà, trứng gia cầm, đến trái cây, quần áo thời trang, đồ điện tử.

Ở Đức, theo thống kê của Tổng cục Hải quan liên bang (Bundeszollverwaltung), năm 2013 các hàng giả tới nhiều nhất từ Trung Quốc (59,2%), Hồng Kông (18,8%) và Hoa Kỳ (4,3%).

Bùi Trọng

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật