Vừa ngồi bóc vỏ điều, vừa nói chuyện. Câu chuyện giản dị của chị Điểu Thị Cha tái hiện cuộc sống của hầu hết các cựu chiến binh và dân làng người Mạ, người S’Tiêng của xã 6 anh hùng trong thời chiến, đến thời bình ở vùng Cát Tiên – Lâm Đồng bây giờ.
Ấn tượng mà chị để lại trong tôi là hình ảnh của người phụ nữ đi đầu cầm chiếc chiêng mẹ, trong lễ kết bạn giữa gia đình chị ở buôn Blú xã Tiên Hòng với gia đình Điểu K’Banh ở buôn Go: Cha mẹ, ông bà, tổ tiên của hai gia đình, hai buôn làng từ xa xưa đã từng kết bạn, ăn với nhau con chim, con gà… giờ đây chị lại tổ chức một lễ đâm trâu, dùng âm thanh cồng chiêng mời Jàng (Trời) Jàng (rừng, nước, chiêng, lúa, dệt…) cùng ông bà tổ tiên chứng kiến sự kết giao cộng đồng đến thời con, cháu, chắt vẫn đang bền vững và ngày càng tốt đẹp…
Lễ kết bạn giữa hai gia đình. |
Trong lễ hội cũng như ngày thường, chị Cha đeo bộ trang sức đặc trưng của người Mạ. Cả vùng Cát Tiên bây giờ còn 4 người phụ nữ giữ được bộ trang sức độc đáo của người Mạ, như chị Cha. Cả 4 chị đều là cựu chiến binh cùng thời bộ đội với chị Cha; chỉ riêng chị Cha là biết đánh đồng la, chị không chỉ đánh được chiêng mẹ mà còn sử dụng thành thạo Đum, Dum, Thoòng, Thơ, Thế - tên từng chiếc chiêng của người Mạ.
Anh K’Vìn, một thanh niên ở buôn Go kể: “Mẹ - thanh niên ở các buôn làng đến gọi chị Cha bằng mẹ - nhớ được tất cả các bản chiêng của người Mạ, như bài: “Cá đến đẻ”, “Con nai đạp nhà cũ”, “Tổ trứng chim cu gáy”… Mẹ kiên trì bày cho chúng em đánh từng loại chiêng… Em thích lắm, cứ tối là lại đến nhà mẹ học mà mới chỉ đánh được một cái thôi, nhưng vẫn không thể hay được như tiếng chiêng của mẹ. Mẹ không chỉ biết đánh chiêng đâu, mà còn biết hát kể, hát đối. Lần nào đi thi mẹ cũng được giải nhất toàn xã, toàn huyện”.
Chị Điểu Thị Cha. |
Tôi từng được nghe chị hát kể, hát đối, một lối ngâm kể sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, giọng chị ấm, những chỗ luyến, láy rất hay, điểm nhấn để thu hút dân làng từ già đến trẻ ngồi nghe chị hát xuyên đêm, bên bếp lửa chính là nội dung câu chuyện: Câu chuyện dẫn dắt buôn làng trở về thủa hồng hoang có thần Nđu đến đây đắp núi, thần Moon dạy dân làng rèn dao, bà Ka Linh dạy dệt vải, có nàng Ka Giêng chiến thắng quỷ Trâu, có nữ thần tình ái là nàng Ka Kôông, sau một đêm, được mỗi người tình tặng một chiếc nhẫn, sáng ra đầy một đồng la.
Rồi chị hát kể Nrí luật tục: “Tổ tiên người Mạ xưa viết chữ trên miếng da trâu, nhưng bị chó ăn mất, người Mạ không có chữ viết, nên truyền miệng luật tục bằng văn vần. Tội lớn nhất theo luật tục Mạ là tội giết người, trộm cắp, làm cháy rừng, săn bắt, hái lượm, chặt cây ở rừng Jàng…”. Chị cũng hát kể về tại sao người Mạ lại cà răng, căng tai. Vì K’Sòng chơi với ông thần rừng nên săn được nhiều thú, vì dân làng chơi với thần nước nên chưa bao giờ có người Mạ nào chết đuối…
Người Mạ đánh tiếng chiêng Mẹ trong lễ kết bạn. |
Nhưng nể phục nhất vẫn là những hiểu biết của chị về rừng, sông, suối, động thực vật ở Cát Tiên, chị biết rất rõ tập tính nơi ở của tê giác, bò tót, gấu, cá sấu… chúng có bao nhiêu con, sống ở đâu… Chị kể rằng những con vật đó đã từng chơi với bố, mẹ, ông, bà, tổ tiên của dân làng mình. Do đó, chúng cần được nhìn nhận như những người bạn lớn của tiền nhân… Câu chuyện dẫn dắt buôn làng đến suối Sương đá, hang Thoát Y, mộ Ngà Voi, núi Cổng Trời… nơi hằng hà sa số các loại chim, từ vẹt, sáo, yến đến công, trĩ… sống chung với hàng trăm loài hoa rừng như hoa lan. Từ trong vùng đất thần tiên đó bước ra những Sơn nam, Sơn nữ huyền thoại hóa thân của chim ó, chim cu gáy…
Trí tưởng tượng bay bổng của chị ẩn trong từng nan tre mà chị đan gùi, nong, nia… Chị là một phụ nữ hiếm gặp ở Tây Nguyên, bởi công việc này thuộc về đàn ông. Thế nhưng chị đã đan đẹp hơn rất nhiều người đàn ông trong vùng. Cái nhìn thông thái của chị ẩn trong từng sợi chỉ, dệt nên những tấm váy, áo, khố, tấm đắp… thổ cẩm tuyệt đẹp.
Nhìn những tấm thổ cẩm do chị dệt, điều khác biệt ở chỗ chị vẫn giữ được những nét hoa văn cổ xưa như: kỷ hà, ngày và đêm, mặt trăng, mặt trời, cánh đồng, con khỉ, cái cối giã gạo… Nhìn những tấm thổ cẩm do chị dệt, người xem không chỉ nhận ra tình yêu của chị với chồng, con, ông bà, tổ tiên, buôn làng… mà còn nhận ra tình yêu của chị với sông, suối, rừng, núi nơi cha ông chị giữ nước.
Ông Điểu K’Him - bố của chị Cha - là một trong số rất ít những người S’Tiêng đầu tiên vào bộ đội từ năm 1959 - khi Trung ương cục miền Nam quyết định mở hành lang chiến lược và chọn Cát Tiên (thời điểm đó thuộc huyện Bù Đăng – tỉnh Sông Bé) để lập chiến khu 6.
Lễ hội đâm trâu của người Mạ. |
Năm 1961, khi mới lên 8 tuổi, chị Cha được mẹ dắt vào rừng ở đơn vị bộ đội cùng bố - tuổi thơ và thời con gái của cô “bộ đội nhỏ” gắn với những trận chiến khốc liệt ở vùng đất mà trên bản đồ không ảnh của Pháp ghi là “vùng chưa biết đến”. Nhưng cô giao liên nhỏ lại thuộc từng gốc cây, hốc núi…để dẫn chú Tư Xương, Tư Huân, chị Dung, anh Hai Thọ, Hai Dui đến những nơi cần đến. Cô bé cùng các dân làng và các chú bộ đội vót chông, đào hầm, làm rẫy trồng lúa, bắp, mì.
Lớn lên chị Cha cùng chị em đi tải đạn, trải qua rất nhiều trận càn lớn, nhỏ của Mỹ - Ngụy. Chị kể: "Lúc gùi đạn, máy bay Mỹ bắc loa xuống kêu gọi “Bà con đừng nghe, đừng theo Việt Cộng, chúng tôi sẽ xây dựng Sài Gòn nhỏ tại đây, đừng ở rừng, muỗi cắn, không có gì mà ăn”. Chị vừa chạy vừa lẩm nhẩm: “Chết thì sướng, bị thương thì khổ”…
Chị chứng kiến người Mỹ nhảy dù, đơn vị của K’Sùng, K’Wíp, K’Lở, K’Đen nổ súng bắn chết phi công, làm rơi một trực thăng. Còn chị đã được huấn luyện và sử dụng thành thạo súng Bá đỏ, mìn, AK, cạc bin…
Thấy chị Cha nhanh nhẹn, chăm chỉ, ông cậu ép chị lấy anh K’Lố - chồng chị bây giờ: “Mình không chịu lấy K’Lố vì ông ngoại mình là anh trai của bố K’Lố. Đối với người Mạ, lấy cậu là xấu hổ nhất - Nhưng nếu không lấy bị cậu đuổi ra khỏi nhà."
Người Mạ kiêng và mình còn bị phạt theo luật tục: “Phải giết và cúng nước, cúng rừng hai con trâu (một trâu rừng, một trâu nhà), hai con dê, hai con chó, hai con heo, hai con vịt, hai con gà (đều phải có một dê rừng, chó sói, heo rừng nếu không cúng sẽ bị ông rừng bắt, sét đánh chết)”. Mình đã phải đổi rất nhiều chiêng, chóe để bắt sống trâu rừng, dê rừng, chó sói, heo rừng… Thì lại mang tiếng là Ma lai nên mới có nhiều chiêng chóe.
Đến tận bây giờ vợ chồng mình vẫn không có con. Hoa và Liễm là con nuôi. Mẹ Hoa vừa sinh xong thì mất. Mình mà không nuôi là dân làng chôn sống nó theo mẹ. Lúc còn bé nó chỉ bằng cái bắp tay này thôi, nuôi khổ lắm. Giờ cả hai đứa đều đã có chồng, có vợ, mình đã có cháu nội ngoại, nhưng vừa mới cúng heo nhận thêm Nguyên làm con nuôi”.
Tạm biệt chị Cha, nhưng câu chuyện ám ảnh khiến tôi buồn không dứt là “Năm 1982 - 1990, huyện mượn ruộng của buôn làng cho dân xây dựng kinh tế mới. Năm 1996, rừng nhập vào Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Ngày xưa rừng của mình, ruộng của mình. Bây giờ ruộng không, rẫy không. Chặt cây không cho, cái nào cũng của Quốc gia”.